Nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy nghiêm trọng ở trẻ em
Rotavirus là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh tiêu chảy nghiêm trọng ở trẻ em. Tại Việt Nam, gần một nửa số bệnh nhi mắc bệnh tiêu chảy là do Rotavirus và cứ mỗi ngày qua đi có từ 2 - 3 trẻ em mất vì căn bệnh này. Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn, rửa tay và vệ sinh sạch sẽ là những biện pháp phòng ngừa quan trọng, thế nhưng tại các quốc gia phát triển, nơi có mức độ vệ sinh cao, đây vẫn là một căn bệnh phổ biến. Tiêm chủng phòng ngừa Rotavirus là một phần thiết yếu nhằm ngăn chặn và kiểm soát căn bệnh tiêu chảy này.
Tiêm vắc-xin - Giải pháp hiệu quả và tiết kiệm nhất
Vắc-xin bảo vệ trẻ em khỏi những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có khả năng để lại di chứng cả đời hoặc thậm chí gây tử vong. Tại các quốc gia nơi vắc-xin được sử dụng thường xuyên, sức khoẻ người dân được cải thiện, chi phí chăm sóc sức khoẻ giảm xuống và cứu được mạng sống của nhiều người. Ngoài ra, trong một cộng đồng, vắc-xin mang lại lợi ích gián tiếp cho những người không được tiêm chủng, bao gồm người già, trẻ em quá nhỏ không thể tiêm chủng và những ai có hệ miễn dịch kém, thông qua cơ chế bảo vệ đàn. Tiêm vắc-xin là một trong những giải pháp hiệu quả và tiết kiệm nhất hiện nay.
Tiêm chủng cũng có khả năng giúp giảm tỷ lệ trẻ em phải nhập viện tại Việt Nam khi mà các bệnh viện Trung ương và tuyến tỉnh luôn trong tình trạng quá tải và thiếu giường cho bệnh nhi. Ước tính tỷ lệ tiếp nhận bệnh nhân của các bệnh viện trên là 120-160%. Một nghiên cứu mới đây tại Bangladesh cho thấy việc tiêm chủng Rotavirus thường xuyên tại quốc gia này giúp giải phóng hơn 600 giường bệnh mỗi năm, do đó cho phép các bệnh viện tiếp nhận thêm nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo khác.
Sốt, nôn và tiêu chảy là những triệu chứng điển hình khi trẻ nhiễm Rotavirus.
Việt Nam đã có những tiến bộ lớn trong bảo vệ và nâng cao sức khoẻ của trẻ em. Trong 2 thập kỷ qua, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng và tử vong ở trẻ sơ sinh đã giảm đáng kể. Với 96% trẻ em được tiêm chủng bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà (DTP), tỷ lệ tiêm chủng của chúng ta tương đương, thậm chí vượt qua cả một số quốc gia phương Tây. Chúng ta cũng là một trong những quốc gia tiên phong sử dụng công nghệ để cải thiện khả năng tiếp cận vắc-xin và giảm tình trạng khan hiếm vắc-xin. Các nhân viên y tế được phát điện thoại và máy tính bảng để truy cập và cập nhật hồ sơ tiêm chủng và gửi tin nhắn nhắc nhở lịch tiêm cho cha mẹ.
Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) Quốc gia cung cấp 12 loại vắc-xin miễn phí cho tất cả các trẻ em trên toàn quốc. Đây là một trong những nỗ lực của Chính phủ nhằm giảm tỷ lệ tử vong và mắc bệnh các loại bệnh có thể phòng tránh được. Các loại vắc-xin này đã bảo vệ hơn 6 triệu trẻ em và ngăn chặn hơn 40.000 ca tử vong ở trẻ em trong vòng 2 thập kỷ rưỡi vừa qua. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gần đây đã phê duyệt ngân sách cho tiêm chủng đến năm 2020, trong đó đảm bảo nguồn tài chính cho vắc-xin và công nghệ giữ lạnh cần thiết để đưa các loại vắc-xin này tới khắp mọi miền trên Việt Nam. Chúng ta cũng tích cực nghiên cứu và tự sản xuất ra các loại vắc-xin của mình, hơn 10 loại vắc-xin đã được phát triển và sản xuất tại Việt Nam nhằm bảo vệ trẻ em khỏi các bệnh hiểm nghèo.
Cần thiết phải đưa vắc-xin Rotavirus vào Chương trình TCMR
Mặc dù đã có 90 quốc gia trên thế giới đưa vắc-xin Rotavirus vào chương trình tiêm chủng thường xuyên nhưng hiện nay, trên thế giới, chưa tới một nửa trẻ em được tiếp cận với loại vắc-xin này. Hầu hết trẻ em tại Việt Nam không được tiêm chủng loại vắc-xin quan trọng này do nó chưa được đưa vào Chương trình TCMR Quốc gia. Trên thực tế, rất ít các quốc gia Nam Á và Đông Nam Á sử dụng vắc-xin Rotavirus. Việt Nam có cơ hội trở thành quốc gia đi đầu trong việc đưa vắc-xin Rotavirus vào chương trình tiêm chủng thường xuyên của mình nhằm bảo vệ trẻ em của chúng ta, đồng thời làm gương cho các nước khác noi theo.
GS.TS. Đặng Đức Anh
((Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia))
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét